Gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2019

Thứ Năm, 01/08/19, 16:56 (GMT+0700)

Ngày cập nhật: 30/07/2019
            Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2019), chiều ngày 26/7/2019 Công đoàn Công ty Thủy điện Hòa Binh tổ chức buổi gặp mặt các đooàn viên Công đoàn đại diện cho người lao động ở các phòng ban, phân xưởng trong Công ty, nhằm ôn lại chặng đường lịch sử với những thành tích vẻ vang mà giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn đã dành được. Tới dự buổi gặp mặt có ông Nguyễn Văn Minh – Ủy viên BCH Đặng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bí thư Đặng ủy, Giám đốc Công ty, các đồng chí trong Ban Giám đốc, lãnh đạo các đơn vị, Ban chấp hành Công đoàn Công ty, Ban chấp hành các Công đoàn bộ phận.

Ông Nguyễn Đăng Thịnh – Chủ tịch Công đoàn Công ty, đã giới thiệu về quá trình ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam, với tên gọi ban đầu là Tổng Công Hội Đỏ, được thành lập vào ngày 28/7/1929 tại Hà Nội và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm người đứng đầu Ban chấp hành lâm thời Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và đường lối công vận của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trong giai đoạn kể từ khi ra đời cho đến khi Cách mạng tháng tám thành công, tổ chức Công đoàn lần lượt được thay đổi tên gọi để phù hợp với tình hình chính trị thế giới, đồng thời thay đổi hình thức đấu tranh, mở rộng tính quần chúng để thu hút và tập hợp được đông đảo lực lượng quần chúng tham gia phong trào đấu tranh đòi quyền lợi cho người lao động.

Tiếp theo lịch sử các giai đoạn đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước, tổ chức Công đoàn tiếp tục hoàn thiện và hợp nhất khi hai miền Nam-Bắc thống nhất. Ngày 6-6-1976, Hội nghị thống nhất Công đoàn toàn quốc đã họp và thông qua lấy tên gọi thành “Tổng Công đoàn Việt Nam”, bầu ra Ban chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam và đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch. Dấu mốc quan trọng sau khi Đảng ta quyết định đổi mới toàn diện cơ cấu nền kinh tế tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, đã làm chuyển biến nhận thức trong toàn xã hội. Cũng từ đây, Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam diễn ra tại Hà Nội từ ngày 17 đến ngày 20/10/1988 xác định “Việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội” là mục tiêu hoạt động của Công đoàn các cấp; Đại hội quyết định đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và được duy trì cho tới ngày nay.

Cùng với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong cả nước, tổ chức Công đoàn Công ty Thủy điện Hòa Bình ngày nay, tiền thân là Công đoàn Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, được thành lập theo Quyết định số 44/QĐ-TCCB ngày 06/7/1989, trực thuộc Công đoàn Công ty Điện lực I; ngay từ khi thành lập, Công đoàn Nhà máy thủy điện Hòa Bình với đội ngũ đoàn viên trẻ và nhiệt huyết đã không ngừng phấn đấu trưởng thành và vững mạnh trong lao động sản xuất, tiếp nhận và quản lý vận hành công trình Thế kỷ hết sức hiệu quả, đóng góp rất nhiều cho từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngày 14/3/2007, tại Quyết định số 47/QĐ-CĐĐVN Công đoàn Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được đổi tên thành Công đoàn Công ty Thủy điện Hòa Bình trực thuộc Công đoàn Điện lực Việt Nam.

Đến nay, Công đoàn Công ty Thủy điện Hòa Bình đã trải qua 10 nhiệm kỳ; trong suốt 30 năm qua Công đoàn Công ty Thủy điện Hòa Bình đã hoàn thành tốt vai trò, chức năng nhiệm vụ chính trị của mình, luôn cùng các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động; đồng thời tuyên truyền phổ biến kịp thời chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người lao động, để người lao động thấy được nghĩa vụ và quyền lợi của mình, cùng tham gia đóng góp xây dựng xã hội Việt Nam ngày càng phát triển vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu cũng được nghe ông Nguyễn Văn Minh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty phát biểu; ông đánh giá cao vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong Công ty, cụ thể là Đoàn thanh niên và Công đoàn, đây thực sự là những tổ chức hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực cho người lao động, người lao động luôn cảm thấy mình được quan tâm bởi những cống hiến cho doanh nghiệp. Được biết, ông Nguyễn Văn Minh từng là Bí thư Đoàn thanh niên đầu tiên của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, là một trong những kỹ sư sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội, theo tiếng gọi của công trình Thanh niên Cộng sản sông Đà, đồng chí đã về công tác tại Ban chuẩn bị sản xuất để chuẩn bị công tác tiếp quản vận hành nhà máy; và cũng thật vinh dự khi tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hòa vào lưới điện quốc gia, là ca trực mà đồng chí làm Trưởng ca vận hành, tham gia điều chỉnh để hòa máy lúc 20h20’ ngày 30/12/1988, cùng ông Bùi Thức Khiết Giám đốc Nhà máy.

Một số hình ảnh tại buổi gặp mặt

admin