
Dòng sông Đà góp phần tạo nên vùng Tây Bắc của Tổ quốc có nền văn hóa đặc sắc, trong đó tiêu biểu là nền Văn hóa Hòa Bình có từ xa xưa, thời đồ đá cũ. Nhưng sông Đà là dòng sông nổi tiếng hung dữ, chinh phục sông Đà là mơ ước hàng ngàn đời nay, được nhân dân xây dựng thành truyền thuyết “Sơn tinh, Thủy tinh”.
Theo thống kê 100 năm (trước khi có thủy điện Hòa Bình) vào mùa mưa bão đã từng xảy ra những trận lũ lớn trên sông Đà với lưu lượng lớn từ 15.000 m3/s đến 21.600 m3/s. Trong đó, những trận đại hồng thủy xảy ra các năm 1945, 1964, 1969, 1971 đã làm vỡ nhiều tuyến đê xung yếu ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ gây tổn thất lớn về người và tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Đặc biệt trận lũ trên sông Đà ngày 19/8/1971 xảy ra đồng thời với lũ sông Thao và sông Lô làm lưu lượng đỉnh lũ tại Sơn Tây đạt 37.800 m3/s và mức nước sông Hồng tại Hà Nội lên tới 14,4 m làm vỡ đê ở các tỉnh Sơn Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, gây tổn thất nặng nề về người và tài sản mà nhiều năm sau mới khắc phục được.
Trong khi đó vào mùa khô, đồng bằng Bắc bộ thường xảy ra tình trạng khô hạn, không có đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, đời sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn.
Ngày 17/8/1962 Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta tới thăm Trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình (tại xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình ngày nay), khi đi qua sông Đà hung dữ, Bác chỉ tay xuống lòng sông và nói: “Phải biến thủy tặc thành thủy lợi. Mục đích cuối cùng phải chinh phục dòng sông có lợi ích lâu dài cho toàn dân”.
Trong bối cảnh từ sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, cơ sở vật chất, khoa học-kỹ thuật của nước ta vô cùng thiếu thốn và lạc hậu; nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế-xã hội và công nghiệp hoá đất nước là rất lớn. Ngày 29/5/1971, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình trên sông Đà đã nêu rõ: “Việc xây dựng công trình Hoà Bình có ý nghĩa chính trị và kinh tế to lớn đối với chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Với tác dụng phòng chống lũ lụt, công trình đảm bảo một phần quan trọng an toàn cho nhân dân, đồng thời còn tạo ra những khả năng lớn cho việc phát triển kinh tế quốc dân. Đây là công trình xây dựng cơ bản lớn nhất của miền Bắc, có vị trí ưu tiên số một”.
Nhằm khai thác tối đa nguồn lợi dòng chảy sông Đà, Công trình thủy điện Hòa Bình được thiết kế xây dựng đa mục tiêu: chống lũ, phát điện, tưới tiêu và cải thiện giao thông thủy. Ngày 06/11/1979, Công trình thủy điện Hòa Bình đã được khởi công xây dựng. Sau hơn 15 năm thi công, ngày 20/12/1994 Công trình đã được khánh thành.
Với tinh thần “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, hàng vạn cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam cùng với hàng ngàn chuyên gia Liên Xô (trước đây) không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, chung sức đồng lòng, đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ: đào đất đá 20,256 triệu m3, đắp đất đá 26,631 triệu m3, khoan phun 205 nghìn mét, lắp đặt thiết bị và kết cấu kim loại 46,721 tấn,.v.v… Hàng vạn nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình và Sơn La đã di dời nhà cửa, ruộng vườn,… để dành quỹ đất cho xây dựng Công trình.
Sau khi hoàn thành, thể theo nguyện vọng và đề nghị của các đơn vị thi công xây dựng Công trình thủy điện Hòa Bình. Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, năm 1996 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Công trình thủy điện Hòa Bình được xây dựng tại đỉnh đồi Ông Tượng, thành phố Hòa Bình và khánh thành ngày 20/01/1997. Toàn bộ tượng Bác cao 18 mét, tay Bác chỉ xuống như năm xưa Bác chỉ tay xuống dòng sông Đà, mong muốn biến “thủy tặc” thành “thủy lợi”. Khối chân đế tượng Bác như núi đá, được khắc bài thơ nổi tiếng như lời dạy của Người:
Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên.
Thủy điện Hòa Bình là Công trình có quy mô lớn và và phức tạp nhất từng được mệnh danh là “Công trình thế kỷ”. Hoàn thành xây dựng Công trình, thế hệ thời đại Hồ Chí Minh đã làm nên kỳ tích như “Sơn tinh” chiến thắng “Thủy tinh” trong truyền thuyết xưa, thực hiện thành công mong ước của Bác lúc sinh thời. Đó là thành quả của trí tuệ, nghị lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đây cũng là Công trình biểu tượng cao đẹp của tình hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Liên Xô.
Không phụ lòng tin của Đảng, Nhà nước, những người xây dựng lên Công trình và nhân dân cả nước, Cán bộ công nhân viên Công ty Thuỷ điện Hoà Bình suốt hơn 30 năm qua đã gìn giữ, quản lý vận hành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình an toàn và hiệu quả: cắt được hàng trăm trận lũ lớn từ 5.000 m3/s đến trên 20.000 m3/s, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đồng bằng Bắc bộ và Thủ đô Hà Nội, nơi có hàng chục triệu người dân sinh sống; sản xuất trên 240 tỷ kWh điện cung cấp lên hệ thống điện Quốc gia; mùa khô hằng năm cấp nước chống hạn đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân vùng hạ du; cải thiện giao thông thủy trên sông Đà và sông Hồng vào mùa cạn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh vùng Tây Bắc của Tổ quốc.
Công trình thủy điện Hòa Bình thực sự đã mang lại hiệu quả to lớn cho đất nước đúng với những gì mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã hằng mong./.

Can Anh Chieu