Những dự án, sản phẩm chuyển đổi số của EVN được đánh giá ra sao?

Thứ Tư, 20/07/22, 15:39 (GMT+0700)

Bên lề chương trình biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam năm 2022, evn.com.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo của chương trình, về những sản phẩm số và quá trình chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

 

TS. Nguyễn Quân

PV: Xin ông cho biết đôi nét về chương trình biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam năm 2022?

TS Nguyễn Quân: Chương trình biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chủ trì, cùng với Hội Tự động hóa Việt Nam, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số phối hợp tổ chức.

Chương trình nhằm thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Nghị quyết 520-NQ/TW) và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 749/QĐ-TTg).

Đây là năm đầu tiên chương trình biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam được tổ chức nhằm đánh giá hiệu quả thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức, doanh nghiệp. Sau 3 tháng triển khai, Ban tổ chức đã nhận được 156 hồ sơ dự thi ở tất cả các thành phần theo cơ cấu chương trình. Qua quá trình thẩm định sơ khảo và chung khảo công tâm và khách quan, Ban tổ chức đã lựa chọn được 35 doanh nghiệp với 48 sản phẩm, giải pháp số để vinh danh ở 3 hạng mục: Top Doanh nghiệp công nghiệp 4.0; Top Tổ chức/doanh nghiệp KH&CN và Đổi mới sáng tạo; Top Doanh nghiệp có sản phẩm số thông minh và giải pháp công nghệ Công nghiệp 4.0.

PV: Ông đánh giá như thế nào về chất lượng những dự án/sản phẩm số các đơn vị/tổ chức và EVN gửi tới chương trình?

TS Nguyễn Quân: Quá trình chuyển đổi số của chúng ta mới chỉ bắt đầu trong khoảng 2 năm gần đây. Vì vậy, hầu hết những sản phẩm số bước đầu chưa thực sự có trình độ rất cao. Tuy nhiên, chúng tôi ghi nhận nỗ lực lớn của các đơn vị, các địa phương trong thực hiện chuyển đổi số mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, chiến tranh thương mại, vấn đề địa chính trị…

Nhìn chung, các sản phẩm chuyển đổi số đầu tiên có tác động rất tốt với xã hội, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số. Trong đó, một số doanh nghiệp đã có những sản phẩm 4.0 rất ấn tượng, được người dân và xã hội đánh giá cao.

EVN là một tập đoàn công nghiệp năng lượng, nhưng cũng có thể xem là một tập đoàn về công nghệ trong cuộc CMCN 4.0. Những dự án, sản phẩm số EVN gửi tới Ban tổ chức chương trình đều được ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số. Chúng tôi đánh giá cao những sản phẩm số hóa được EVN ứng dụng trong vận hành hệ thống điện.

Tôi nghĩ rằng cả nguồn điện, hệ thống truyền tải, phân phối điện đều rất cần được ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông minh, IoT (vạn vật kết nối Internet)… vào trong điều hành. EVN đã làm được điều này! Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của EVN, và dành cho EVN vị trí xứng đáng trong các đơn vị được vinh danh Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm đại diện Tập đoàn nhận chứng nhận “Top Doanh nghiệp Công nghiệp 4.0”, ngày 15/7

Tôi nhận thấy, những bước đi trong quá trình chuyển đổi số của EVN đang theo đúng lộ trình mà Chính phủ đã đề ra trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. EVN đang tiến tới mục tiêu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022, và tạo tiền đề để hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025.

PV: Ông có khuyến nghị nào để EVN thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số?

TS Nguyễn Quân: Tôi nghĩ chuyển đổi số là một quá trình lâu dài. Và việc nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý trong EVN về chuyển đổi số rất quan trọng. Bởi nếu người đứng đầu và tập thể lãnh đạo không có nhận thức đúng, tư duy nhanh nhạy về công nghệ thì quá trình chuyển đổi số sẽ rất khó thành công.

Để thực hiện chuyển đổi số, tôi cho rằng EVN phải xây dựng được cơ sở dữ liệu (CSDL) của ngành để có thể tích hợp vào CSDL quốc gia. Đây là CSDL số, với nền tảng công nghệ số được ứng dụng trí tuệ nhân tạo, big data, cloud…

EVN phải dành nguồn lực đáng kể, cả về tài chính và nhân lực, đầu tư cho lĩnh vực chuyển đổi số. EVN cần tập hợp được đội ngũ nhân lực với các chuyên gia, các nhà khoa học của ngành Điện và cả đội ngũ nhân sự chất lượng cao từ các trường đại học, các viện nghiên cứu… để hỗ trợ EVN thực hiện chuyển đổi số.

Tôi rất mong EVN sẽ là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, và thực hiện thắng lợi Nghị quyết 520-NQ/TW, Quyết định 749/QĐ-TTg.

PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!

Tại chương trình biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam năm 2022:

– EVN được vinh danh “Top Doanh nghiệp Công nghiệp 4.0” với dự án/sản phẩm chuyển đổi số “Ứng dụng số hóa tổng thể cho một nhà máy nhiệt điện than”.

– Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) được vinh danh ở hạng mục “Top doanh nghiệp có sản phẩm số thông minh và giải pháp công nghệ công nghiệp 4.0”, với sản phẩm “Tin học hóa quy trình sửa chữa bảo dưỡng theo phương pháp RCM”.

Can Anh Chieu