Công tác kiểm tra sau mùa mưa và quan trắc bồi lắng hồ chứa nước Thủy điện Hòa Bình năm 2020

Thứ Năm, 31/12/20, 08:19 (GMT+0700)

Thực hiện quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và Quy trình quan trắc công trình thủy điện Hòa Binh. Công tác quan trắc hồ chứa nước theo định kỳ được thực hiện vào thời điểm trước và sau mùa mưa hằng năm. Kết thúc mùa mưa, hồ chứa được tích dần đến mực nước dâng bình thường, dòng chảy trên sông (hồ) trở lại trạng thái bình thường, lượng phù sa bắt đầu lắng đọng đáy hồ, đây là thời điểm phù hợp quan trắc bồi lắng và thuận lợi di chuyển tàu, xuồng trên hồ.

Công tác quan trắc bồi lắng hồ chứa nước thủy điện Hòa Bình được thực hiện trên cơ sở thành lập mạng lưới mặt cắt theo bản đồ địa hình 1/25.000 theo toàn tuyến hồ để hằng năm tiến hành công tác đo đạc ngoại nghiệp, tính toán lượng bồi lắng tại các khu vực. Lòng hồ được bố trí các mặt cắt ngang, khoảng cách trung bình 2 km, trên mỗi mặt cắt được đánh dấu bằng 4 mốc bê tông cùng tuyến đo 2 bờ (mốc chính và mốc phụ), để kết hợp công nghệ RTK Radio vào công tác quan trắc, tại gần mỗi mặt cắt bố trí trí 01 mốc đặt trạm tĩnh (base) của máy GPS, như vậy trên toàn tuyến hồ Hòa Bình có 485 mốc chuẩn theo cao, tọa độ hệ thống quốc gia.

Công tác quan trắc ngoại nghiệp đo vẽ mặt cắt ngang hồ được tiến hành hai phần việc:

– Phần trên bờ:Dùng phương pháp đo mặt cắt trắc địa thông thường, bằng phương pháp RTK hoặc toàn đạc điện tử.

– Phần dưới nước: Sử dụng phần mềm Hypack và bản đồ vệ tinh trên cơ sở tích hợp số liệu đo sâu hồi âm và số liệu định vị vệ tinh GNSS đã được cải chính số hiệu chỉnh (RTK).

Năm 2020 là năm đầu tiên Công ty thủy điện Hòa Bình áp dụng công nghệ trạm CORS quốc gia vào đo đạc, tức là nhận số hiệu chỉnh (RTK) của số liệu định vị vệ tinh GNSS qua hệ thống trạm CORS quốc gia qua hạ tầng 3G/4G trong đo đạc, thay vì phải đặt trạm tĩnh ở trên bờ (base). Kết quả thực hiện hiệu quả cao trong đo đạc, rút ngắn thời gian ngoại nghiệp và bảo đảm độ chính xác theo yêu cầu.

(Hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia bao gồm 65 trạm GNSS CORS, trong đó, bao gồm: 24 trạm Geodetic CORS được bố trí trên phạm vi toàn quốc với khoảng cách trung bình giữa các trạm từ 150÷200 km và 41 trạm NRTK CORS được bố trí tại 3 khu vực, đó là: Đồng bằng Bắc Bộ và khu vực Thanh Hóa; khu vực miền Trung và Tây Nguyên; khu vực Nam Bộ với khoảng cách trung bình giữa các trạm từ 50 – 80 km. Dữ liệu từ 65 trạm GNSS CORS được truyền trực tiếp qua mạng Internet về trạm xử lý và điều khiển trung tâm tại Hà Nội để xử lý tính toán và cung cấp cho người sử dụng qua mạng Internet theo thời gian thực với độ chính xác rất cao, từ 2 – 4cm).

Đoàn công tác 09 đồng chí, gồm các kỹ sư, công nhân của phân xưởng Thủy công và lái Tàu, xuồng phục vụ đoàn của phòng Hành chính – Lao động Công ty. Tàu được rời bến tại khu vực cửa nhận nước nhà máy thủy điện Hòa Bình vào hồi 14h00 ngày 22/12/2020. Với khối lượng đo bồi lắng lòng hồ chứa nước thủy điện Hòa Bình qua 97 mặt cắt và công tác kiểm tra tình trạng hai bờ hồ sau mùa mưa lũ năm 2020 tương đối lớn nhưng với sự sáng tạo, ứng dụng công nghệ số phát triển cùng sự cố gắng, quyết tâm cao của các thành viên đoàn công tác, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và kết thúc chuyến đi vào hồi 18h00 ngày 31/12/2020 bảo đảm an toàn, thu thập số liệu chính xác, đầy đủ các thông tin cần thiết phục vụ tính toán, phân tích, đảnh giá trạng thái vận hành công trình đập, hồ chứa nước thủy điện Hòa Bình đến thời điểm năm 2020.

Một số hình ảnh trong quá trình đoàn công tác thực hiện công việc:

Lắp đặt Ăng-ten đo sâu hồi âm
Kết nối thiết bị đo sâu với máy tính
Kết nối thiết bị đo sâu với thiết bị điều khiển cầm tay và máy tính
Số liệu đo đạc thu thập trên máy tính xách tay

Can Anh Chieu