Làm việc với EVN về công tác chuyển đổi số, đoàn công tác Trung tâm Thông tin thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định EVN đã có hướng đi đúng, cách làm được triển khai hiệu quả từ lý thuyết đến thực tiễn.
Buổi làm việc diễn ra ngày 26/9, tại Hà Nội. Theo ông Hồ Đức Thắng – Giám đốc Trung tâm Thông tin, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trung tâm đã làm việc với một số doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban về công tác chuyển đổi số. Qua đó cho thấy, mặc dù không phải là một đơn vị chuyên về công nghệ thông tin và viễn thông, nhưng EVN đã có mức độ chuyển đổi số rất cao. Ông Hồ Đức Thắng nhấn mạnh và mong rằng, trong thời gian tới, EVN sẽ đồng hành cùng Ủy ban và nằm trong nhóm những đơn vị dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp khác trong Ủy ban triển khai chuyển đổi số.
Ông Hồ Đức Thắng – Giám đốc Trung tâm Thông tin, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (giữa) đánh giá cao kết quả chuyển đổi số của EVN |
Theo báo cáo của EVN, triển khai Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, EVN đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-EVN ngày 17/2/2021 phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025. Theo đó, EVN xác định cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào cuối năm 2022 và hướng tới doanh nghiệp số vào năm 2025.
Riêng giai đoạn 2021-2022, EVN và các đơn vị thực hiện chuyển đổi số trong 5 lĩnh vực: Quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh dịch vụ khách hàng, viễn thông và công nghệ thông tin, với 45 nhiệm vụ chính về ứng dụng công nghệ, 100 mục tiêu cần phải đạt được.
EVN xác định, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức của từng người lao động trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam; xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số cho lãnh đạo các cấp và toàn thể người lao động; xác định chuyển đổi số là trách nhiệm của toàn thể người lao động. Từ đó, tập đoàn và các đơn vị đã từng bước chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cách làm, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo.
Tính đến tháng 9/2022, kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022 của EVN đã đạt khối lượng bình quân 85,5%.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn – Trưởng ban Viễn thông và Công nghệ thông tin EVN trao đổi tại buổi làm việc |
Trong đó, lĩnh vực quản trị nội bộ đạt 98,98% khối lượng công việc, với việc triển khai văn phòng số, số hóa các quy trình nội bộ, báo cáo điều hành online, xây dựng App phục vụ người lao động, triển khai nghiệp vụ thanh toán điện tử trong toàn EVN. Đặc biệt, tập đoàn ban hành 27.000 mã định danh điện tử để các đơn vị gửi/nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản Quốc gia.
Lĩnh vực đầu tư xây dựng đạt tỉ lệ 89,8%, với những ứng dụng chuyển đổi số nổi bật như: Nhật ký công trình điện tử; ứng dụng hồ sơ điện tử; công nghệ AI trong phân tích hình ảnh; ứng dụng công nghệ mới trong khảo sát, thiết kế như công nghệ 3D, sử dụng các phương tiện bay UAV, thiết kế BIM… Đặc biệt, EVN là một trong những đơn vị tiên phong trong thực hiện đấu thầu qua mạng, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất của EVN đạt tỷ lệ 76,3%. Tập đoàn đã hoàn thành quản lý cơ sở dữ liệu thiết bị điện; ứng dụng CNTT trong sửa chữa theo phương pháp RCM, CBM; dự báo quản lý các nguồn năng lượng mới; ứng dụng số hóa tổng thể nhà máy nhiệt điện than; ứng dụng AI trong công nghệ xử lý và nhận diện hình ảnh; ứng dụng công nghệ hiện trường; số hóa trạm biến áp…
Đặc biệt, lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng là điểm sáng của EVN trong công tác chuyển đổi số. Đến nay, lĩnh vực này đã đạt tỷ lệ 97,6% khối lượng công việc, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng sử dụng điện cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của EVN. Cụ thể, EVN đã cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 và triển khai hợp đồng điện tử; kết nối, cung cấp dịch vụ điện trên các nền tảng số. EVN cũng triển khai trải nghiệm số cho khách hàng và người sử dụng cuối để tăng sự hài lòng của khách hàng; chăm sóc khách hàng theo hướng “cá nhân hóa” đến từng khách hàng; tự động hóa việc chăm sóc khách hàng, lắng nghe, thấu hiểu khách hàng thông qua việc xử lý thông tin.
Lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số đạt 64,8% khối lượng. EVN đã nâng cấp hệ thống dung lượng truyền dẫn để đáp ứng nhu cầu truyền tải dữ liệu tốc độ cao và dung lượng lớn; triển khai nghiên cứu và đưa vào ứng dụng công nghệ số AI, Bigdata, IOT, Blockchain… Đặc biệt, tập đoàn đã xây dựng hệ sinh thái EVNCONNECT, kết nối với các nền tảng: Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế, Cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia, nền tảng số của các tỉnh Thái Nguyên ID, Hue-S; kết nối với ngân hàng, ví điện tử, Mobile Money, trung tâm hành chính công và cổng dịch vụ công các tỉnh, thành phố.
Tại buổi làm việc, Trung tâm Thông tin của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và EVN cũng đã trao đổi về kinh nghiệm của EVN trong triển khai chuyển đổi số và những dự định, mục tiêu trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp thuộc Ủy ban.
Nguồn: EVN
Can Anh Chieu